(Myshopping.com.vn) - Nhằm tạo thuận lợi cho mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU, Chính phủ Việt Nam đang tiến hành đàm phán để đi đến ký kết với EU “Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản” (VPA/FLEGT).
Cầu từ thị trường lớn sụt giảm
Hiện Việt Nam là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Các sản phẩm gỗ của Việt Nam được xuất khẩu tới nhiều vùng, lãnh thổ trên thế giới. Những năm gần đây, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam tăng trưởng tương đối mạnh (12 - 15%/năm).
Riêng trong năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt 6,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Những thị trường lớn nhất của gỗ Việt Nam trong năm 2014 là Mỹ (tăng trưởng 14,17%), Nhật Bản (tăng 19,47%)… Một số thị trường mới như Trung Đông, Australia, ASEAN… cũng có mức tăng trưởng xuất khẩu khá.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ lại sụt giảm mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2015 giảm trên 6% so với cùng kỳ năm 2014. Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) Nguyễn Tôn Quyền cho biết, hiện rất nhiều mặt hàng gỗ xuất khẩu có sự sụt giảm cả về thị trường tiêu thụ lẫn giá trị, nhất là thị trường châu Âu, mà đặc biệt là Hà Lan. Với đà giảm này chắc chắn các DN ngành gỗ trong nước sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Đại diện Công ty TNHH XNK Tài Anh (Ninh Bình) cho rằng, hiện nay các công ty xuất khẩu gỗ đang gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ. Công ty này là DN sản xuất và kinh doanh mặt hàng gỗ với nhà máy chế biến gỗ chuyên sản xuất các sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất, ván sàn các loại cung cấp cho thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)...
Từ đầu năm đến nay, các đơn hàng từ các đối tác giảm ở nhiều thị trường, nhất là EU và Trung Quốc. Để đẩy mạnh lượng tiêu thụ, công ty cũng đã đầu tư sản xuất các sản phẩm gỗ chất lượng cao. Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến được nhập khẩu từ Italia, Đài Loan, cùng hệ thống lò sấy tự động công nghệ Italia, gỗ nguyên liệu được xử lý, sấy với tiêu chuẩn châu Âu.
Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, công ty cũng tiếp tục đẩy mạnh việc đưa hàng ra thị trường trong nước. Đồng thời, cũng khai thác và nhập khẩu, bán buôn lượng lớn gỗ nguyên liệu hợp pháp cho thị trường Việt Nam với các chủng loại như gỗ lim (Lào, châu Phi), gỗ Hương (Lào, châu Phi), gỗ Anh Đào (Mỹ, châu Âu), gỗ Chò Chỉ (Lào, Maylaysia)…
Vấn đề không chỉ ở giá cả
Lý giải về nguyên nhân xuất khẩu gỗ giảm trong những tháng đầu năm, ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, kim ngạch giảm là do thị trường xuất khẩu đang có nhiều khó khăn, giá bán gỗ cũng được cho là thấp hơn so với năm trước. EU là thị trường lớn thứ tư (sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản) được nhiều DN xuất khẩu trong nước hợp tác.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế khu vực EU đang bị khủng hoảng thì nhiều thị trường đã giảm lượng nhập khẩu gỗ từ các nước khác, trong đó có Việt Nam. Chính sự cắt giảm này khiến DN trong nước khó khăn hơn trong việc tìm kiếm đơn hàng.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến các DN xuất khẩu gỗ trong nước gặp khó khăn chính là những rào cản về thương mại với những thị trường khó tính như Mỹ, EU. Đại diện VIFORES cho rằng, để gỗ xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU thì cần phải chứng minh được tính hợp pháp về nguồn gốc.
Với chương trình hành động “Tăng cường thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản” (FLEGT) của EU có hiệu lực từ năm 2013 đang khiến các DN xuất khẩu hàng nội thất gặp nhiều khó khăn về đảm bảo gỗ nguyên liệu chế biến có nguồn gốc hợp pháp với đầy đủ bộ chứng từ. Việt Nam mua gỗ nguyên liệu từ nhiều quốc gia trên thế giới và không phải nước nào cũng có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Bên cạnh đó nhiều sản phẩm gỗ trong nước cũng gặp vấn đề tương tự. Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp nhanh chóng hoàn thiện dự thảo, chậm nhất là đến ngày 30/6 phải trình Bộ để ban hành Thông tư về chứng minh tính hợp pháp của gỗ cao su và gỗ vườn ở Việt Nam.
Nhằm tạo thuận lợi cho mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU, Chính phủ Việt Nam đang tiến hành đàm phán để đi đến ký kết với EU “Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản” (VPA/FLEGT).
Đây là Hiệp định thương mại song phương giữa hai bên để tháo gỡ hàng rào kỹ thuật về yêu cầu trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp đối với ngành đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường 28 nước châu Âu. Dự kiến hai bên sẽ kết thúc đàm phán Hiệp định vào cuối năm 2015.
Đại diện VIFORES cũng cho rằng, nếu VPA được ký kết, các DN Việt có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh do không phải giải trình theo quy chế 995 của EU so với những DN ở những quốc gia chưa ký hiệp định này. Nghĩa là tiết kiệm được thời gian, chi phí hành chính, chi phí cơ hội và đạt tiêu chuẩn khắt khe đầu tiên của EU về gỗ hợp pháp.
Tuy nhiên, DN cũng phải năng động hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng. Từ đó khẳng định thương hiệu để phát triển.