(Myshopping.com.vn) - Ngành chế biến gỗ Việt Nam đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Giá trị sản xuất của ngành này năm 2012 đạt 199.570 tỷ đồng, gấp đôi so với con số của năm 2008.
Chế biến gỗ trở thành một trong những lĩnh vực xuất khẩu chính của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu trong năm 2013 đạt tới trên 5,37 triệu đô, tăng 15% so với năm 2012. Trong cả giai đoạn 2010-2013, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành liên tục duy trì ở mức tương đối cao, khoảng 18%/năm . Với những thành tựu đó, ngành chế biến gỗ Việt Nam hiện đã đứng đầu khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 2 Châu Á, và đứng top thứ 6 thế giới về xuất khẩu, chỉ sau Mỹ, Ý, Đức, Ba Lan, Trung Quốc. Số doanh nghiệp trong ngành liên tục gia tăng, từ con số 5137 doanh nghiệp trong năm 2008 tính đến 31/12/2011 đã có 6964 doanh nghiệp tham gia, chủ yếu tập trung là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm tới 81%) .
Trong ngành chế biến gỗ, sản xuất đồ gỗ (giường, tủ, bàn ghế,…) là lĩnh vực có giá trị xuất khẩu cao nhất (lên tới trung bình 2,9 tỷ đô/năm trong giai đoạn 2008-2012). Sản xuất đồ gỗ gồm 4 loại chính là: đồ gỗ ngoại thất, nội thất, đồ mỹ nghệ và hạt gỗ. Trong đó, sản phẩm xuất khẩu tập trung ở đồ ngoại thất, đồ gỗ nội thất được sản xuất và tiêu dùng chủ yếu trong thị trường nội địa. Lĩnh vực sản xuất đồ gỗ cũng là lĩnh vực có thị trường xuất khẩu mạnh. Nếu năm 2003, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ thì trong thời gian gần đây, sản phẩm gỗ Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 120 nước, thâm nhập vào các thị trường lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, EU (Anh, Pháp, Đức, Hà Lan,…).
Với vai trò một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, việc tham gia các hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa Việt Nam và các nước đã và sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của ngành chế biến gỗ Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam đã ký FTA với Brunei, Singapore và Malaysia (AFTA); với Australia, New Zealand (AANZFTA); và với Nhật Bản trong hiệp định thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản (AJCEP). Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ký một số FTA khác với vai trò là một bên độc lập, ví dụ như hiệp định đối tác kinh tế ký với Nhật Bản vào năm 2008 (VJEPA ), Việt Nam - Chile (vào năm 2011) ... Hiện nay Việt Nam đang trong quá trình đàm phán hai hiệp định quan trong là hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định thương mại tự do với Châu Âu ( EVFTA)… EU với vị thế là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của ngành chế biến gỗ Việt Nam, nếu EVFTA được ký kết, đây sẽ là một cơ hội lớn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam thực hiện bước đột phá trong thị trường EU, nơi nhập khẩu lớn thứ hai các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Đồng thời hiệp định tự do thương mại này sẽ tạo điều thuận lợi để nhiều nhà đầu tư từ EU đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, giúp ngành công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao vai trò và vị thế của mình trong chuỗi giá trị đồ gỗ toàn cầu và nâng cao năng lực sản xuất cũng như khả năng cạnh tranh, cải thiện chất lượng dịch vụ cơ sở hạ tầng, giảm chi phí sản xuất.
Ngoài những cơ hội thông qua tự do hóa thương mại, với những lợi thế từ sự ổn định kinh tế vĩ mô, chi phí lao động thấp, lực lượng lao động có khả năng thích nghi, Việt Nam đã và sẽ trở thành một đối tác rất hấp dẫn đối với các nhà nhập khẩu sản phẩm gỗ. Nhờ lao động có tay nghề cao, các công ty của Việt Nam có thể hoàn thành đơn đặt hàng với thiết kế tinh vi hơn mà không bị quá nhiều sự gia tăng của chi phí. Lợi thế về chi phí và lao động cùng với ổn định kinh tế, xã hội, chính trị và vị trí địa lý thuận tiện sẽ những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế và cơ hội kể trên, ngành chế biến gỗ Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất là sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nguồn gỗ nguyên liệu chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà sản xuất gỗ cả về khối lượng và chất lượng. Vì vậy, phần lớn các nhà sản xuất đã phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác, với mức tăng trưởng nhập khẩu trung bình lên tới 13,8%/năm trong giai đoạn 2007-2013. Hiện nay, khoảng 80% nguyên liệu gỗ được sử dụng trong ngành công nghiệp chế biến gỗ được nhập khẩu, chiếm đến 30-40% trong giá thành sản phẩm . Việc phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu khiến cho giá trị gia tăng của ngành này còn hạn chế, các doanh nghiệp trong ngành rơi vào tình trạng có doanh thu xuất khẩu cao nhưng lợi nhuận thấp.
Bên cạnh tình trạng thiếu nguyên liệu gỗ, Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức khác như:
- Sản xuất gỗ còn nằm trong khâu có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu: Các doanh nghiệp chủ yếu vẫn bán hàng qua khâu trung gian (chiếm 90% lượng sản phẩm), làm gia công và nhận mẫu mã thiết kế, hợp đồng đặt hàng của nước ngoài. Cùng với đó, công nghệ chế biến hiện nay cũng còn thô sơ và mang nặng tính thủ công, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam chỉ mới dừng lại ở việc gia công nguyên liệu là chính. Trong khi đó, nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ sản xuất chiếm lại đến 80% nguyên đầu liệu vào khiến cho giá trị gia tăng chưa cao.
- Phát triển các sản phẩm: Nhu cầu thế giới đã chuyển từ sản phẩm gỗ nội thất sang ngoại thất, điều này đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh chất lượng cũng như các thiết kế sản phẩm....
- Thiếu sự liên kết với các nhà cung cấp nguyên liệu thứ cấp: Do thiếu nguyên liệu gỗ, Việt Nam phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu với chi phí ngày càng tăng. Hiện nay, chủ yếu nguyên liệu gỗ được nhập khẩu từ Lào và Campuchia thì nguồn này đang cạn kiệt. Kể từ năm 2005 đến nay, 2 nước Malaysia và Indonesia đã đóng cửa mặt hàng gỗ xẻ, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giá nhiều loại gỗ đã tăng bình quân từ 5% - 7%, đặc biệt gỗ cứng đã tăng từ 30% - 40%, làm cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng có đơn hàng nhưng không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận rất thấp . Đây sẽ là một trở ngại lớn và đẩy lùi sự phát triển của công nghiệp chế biến gỗ nếu như Việt Nam không có chiến lược tốt trong phát triển nguồn nguyên liệu.