Đăng nhập
Đăng ký
GIỎ HÀNG CỦA BẠN
Có: 0 sản phẩm
Tổng giá trị: VNĐ
Xuất khẩu sản phẩm gỗ: Tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức trong hội nhập
Xuất khẩu sản phẩm gỗ: Tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức trong hội nhập
(Myshopping.com.vn) - Nhóm hàng sản phẩm gỗ là thế mạnh xuất khẩu (XK) Việt Nam. Song, để tận dụng những cơ hội từ quá trình hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ, ngành gỗ cần chuyên nghiệp hóa từ khâu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thống kê của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho thấy, giá trị XK đồ gỗ trong năm 2014 đạt 6,23 tỷ USD, dự kiến tăng lên 7 tỷ USD trong năm 2015. Đặc biệt, thị phần đồ gỗ của Việt Nam trên thế giới đạt 2,16%, đã có mặt trên 100 thị trường. Việt Nam đứng thứ 2 trong danh sách các quốc gia XK đồ gỗ nhiều nhất khu vực châu Á. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu (NK) gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 62,33% tổng kim ngạch XK đồ gỗ.
 
Hiện, nhu cầu gỗ của thế giới đang tăng cao cộng với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang chuẩn bị được ký kết sẽ là lợi thế XK cho các doanh nghiệp (DN) gỗ, nhất là khi thuế NK xuống 0%. Nhiều chuyên gia trong ngành gỗ nhận định, con số kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2020 của ngành gỗ Việt Nam là khả thi.
Phân tích về thuận lợi này, Viforest cho hay, Hàn Quốc là một trong những thị trường NK lớn của ngành gỗ Việt Nam, đặc biệt là dăm gỗ. Việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết, Viforest kỳ vọng đồ gỗ Việt Nam vào Hàn Quốc sẽ có giá rẻ hơn, sức cạnh tranh nâng cao hơn.
 
Tuy nhiên, ngành gỗ trong nước cũng cần phải chủ động để đối mặt với thách thức, nhất là với dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) về sự xiết chặt quy định NK của thị trường EU và Bắc Mỹ - hai thị trường NK lớn nhất hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó có mặt hàng gỗ của Việt Nam. Chẳng hạn, để đồ gỗ Việt Nam vào được thị trường EU khó tính, các DN buộc phải đáp ứng các điều kiện của Luật Hóa chất Reach với những phương pháp đánh giá độ nguy hại của các chất, được áp dụng tại tất cả 27 nước thuộc EU. Bên cạnh đó, các DN buộc phải dán nhãn FSC (Hội đồng quản lý rừng). Đây là hệ thống chứng nhận nhằm truy suất nguồn gốc hàng hóa.
 
Như vậy là, đây thực sự là một thách thức đối với các DN chế biến gỗ của Việt Nam, khi phần lớn DN có quy mô vừa và nhỏ, thường mua gỗ của dân không lưu lại hồ sơ, giấy tờ mua bán. Chưa kể, DN XK đồ gỗ của Việt Nam chủ yếu làm hàng gia công cho nước ngoài, nên giá trị mang lại thấp.
 
Theo Viforest, các DN Việt thua hẳn về thiết kế, nên việc hưởng lợi từ các giá trị gia tăng còn hạn chế. Sản phẩm làm ra khó thuyết phục khách hàng. Giải pháp của phần lớn DN Việt là thuê các chuyên gia thiết kế nước ngoài với chi phí cao và thiếu dấu ấn văn hóa Việt...
 
Thêm vào đó, mặc dù chế biến gỗ là 1 trong 10 ngành mang lại nguồn thu lớn nhất từ XK, đóng góp đáng kể vào GDP của nước ta nhưng DN trong nước lại chưa quản lý được toàn bộ quá trình vận chuyển gỗ từ nơi thu mua đến nơi lưu trữ, sản xuất. Đây sẽ là “rào cản” lớn đối DN khi XK.
 
Trước các thách thức và “rào cản” đó, một số DN và địa phương đã chủ động có những giải pháp để vượt qua cùng với các giải pháp chung mà Viforest cùng các cơ quan hữu quan khuyến nghị. Đơn cử như Bình Định - một trong ba Trung tâm chế biến gỗ XK hàng đầu cả nước với giá trị kim ngạch XK bình quân hàng năm đạt 300 triệu USD, chiếm trên 60% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Riêng mặt hàng gỗ ngoài trời, Bình Định đứng đầu cả nước.
 
Được biết, hiện, song song với việc chế biến, xuất khẩu gỗ, các doanh nghiệp chế biến gỗ Bình Định đi đầu trong việc thực hiện chính sách bảo vệ rừng vì mục tiêu phát triển bền vững theo tiêu chuẩn và yêu cầu của tổ chức FSC; sử dụng lao động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam; trang bị bảo hộ lao động, mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động; tạo điểm đến tin cậy cho khách hàng; các mặt hàng đồ gỗ nội, ngoại thất với thiết kế đẹp, chất lượng cao, giao hàng đúng thời hạn. Cùng với đó, Bình Định cũng chú ý tăng cường công tác xây dựng tổ chức và công tác đối ngoại; chú trọng củng cố mối quan hệ liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng, nâng cao năng suất, đáp ứng tiến độ, giảm chi phí trong giá thành sản xuất; kết hợp hài hòa lợi ích giữa nhà cung cấp và nhà sản xuất; đảm bảo kế hoạch giao hàng, đảm bảo năng lực tài chính trong sản xuất kinh doanh; Chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên đào tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong ngành chế biến gỗ.
 

Người chịu trách nhiệm: Bùi Mạnh Tuấn
Địa chỉ: Số 3 ngõ 210 Đường Láng, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
Điện Thoại: 02435627539.
Di Động: 0903559866. 0967559866. 0917559866.
Email: dogo24h@gmail.com
Số ĐKKD: 01E8018324/ UBND Quận Đống Đa cấp. Mã Số Thuế: 8357955391
Thời gian làm việc sáng: 8h00 - 13h, chiều: 14h - 20h. Tất cả các ngày trong tuần
(Bản đồ chỉ dẫn)